I. Thông tin phòng chống dịch Covid-19 thế giới:
Có 164.244.781 ca mắc, 3.403.217 ca tử vong, trên 219 quốc gia, lãnh thổ.
Danh sách 3 quốc gia có số ca mắc, tử vong nhiều nhất:
- Mỹ: 33.742.862 người mắc; 600.498 người tử vong.
- Ấn Độ: 25.227.970 người mắc; 278.751 người tử vong.
- Brazil: 15.657.391 người mắc; 435.823 người tử vong.
1. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 513.642 trường hợp mắc COVID-19 và 9.799 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 164 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,4 triệu người không qua khỏi.
Ngày 17/5, thế giới có tới 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 93 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ.
2. Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại Nam Á, Ấn Độ thông báo đã ghi nhận 278.751 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là lần đầu tiên số ca mắc theo ngày của Ấn Độ giảm xuống dưới mức 300.000 ca kể từ ngày 21/4, mặc dù số ca tử vong theo ngày vẫn ở mức cao với 4.340 ca trong 24 giờ qua. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 có kết quả dương tính hiện đã giảm xuống còn 16,98% so với mức 24,47% của ngày 3/5. Vùng thủ đô Delhi ghi nhận 6.550 ca mắc mới trong 24 giờ qua, với tỷ lệ xét nghiệm dương tính tiếp tục giảm xuống còn 10,4%. Đây là ngày thứ ba liên tiếp Delhi ghi nhận dưới 10.000 ca/ngày và ngày thứ hai liên tiếp ở mức dưới 7.000 ca/ngày. Mặc dù vậy, chính quyền Delhi đã quyết định kéo dài thêm 1 tuần lệnh phong tỏa thành phố, đến ngày 24/5.
3. Ngày 17/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 25.137 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 73.570 người. có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Malaysia và Việt Nam.
Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ hai trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong đứng thứ hai toàn khối.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức cao với 45 trường hợp không qua khỏi.
4. Ngày 17/5 Chính phủ Mỹ thông báo có kế hoạch xuất khẩu thêm 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 6 tới, nâng tổng số vaccine mà Mỹ chuyển cho các nước trên thế giới lên 80 triệu liều, trong bối cảnh nguồn cung đang bắt đầu vượt quá nhu cầu trong nước.
5. Từ ngày 17/5, Bồ Đào Nha đã cho phép khách du lịch từ Anh và đa số các nước Liên minh châu Âu (EU) nhập cảnh vào nước này với điều kiện họ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 tối đa 72 giờ trước khi lên máy bay. Dự kiến, khoảng 30 chuyến bay từ Anh sẽ đáp xuống sân bay của Bồ Đào Nha ngày 17/5. Trong đó, 17 chuyến bay chở khoảng 5.500 hành khách đến thành phố Faro. Anh là thị trường du lịch lớn nhất của Bồ Đào Nha.
6. Trước diễn biến tích cực của đại dịch COVID-19 khi số ca mắc mới và số ca tử vong giảm mạnh, Chính phủ Italy ngày 17/5 đã thông qua sắc lệnh mới về việc mở cửa trở lại, trong đó lệnh giới nghiêm sẽ lùi 1 giờ.
II. Thông tin phòng chống dịch COVID-19 Việt Nam:
Tính từ 18h ngày 17/5 đến 6h ngày 18/5 có 19 ca mắc mới (BN4360-BN4378): 19 ca mắc ghi nhận trong nước tại Hà Nội (13), Hà Nam (3), Điện Biên (2), Sơn La (1), trong đó:
+ Số ca mới trong khu cách ly: 19 ca
+ Số ca mới trong khu vực được phong tỏa: 0 ca
Tính đến 6h ngày 18/5:
- Việt Nam có tổng cộng 2.909 ca ghi nhận trong nước và 1.469 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay: 1.339 ca.
1. Chiều ngày 17/5/2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc mua vắc-xin phòng COVID-19 của Công ty Pfizer. Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã báo cáo về phương án mua vắc-xin phòng COVID-19 của Công ty Pfizer; Công ty Pfizer không chấp nhận đàm phán về giá, các điều kiện hợp đồng và bên Việt Nam phải trả lời Công ty Pfizer chậm nhất trong ngày 18/5/2021.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận như sau: Việc mua vắc-xin phòng COVID-19 là cần thiết, cấp bách theo đúng kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Công văn số 50-CV/TW ngày 19/2/2021 và của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021. Trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, khan hiếm vắc-xin phòng chống COVID-19 trên toàn cầu. Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vắc-xin phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay. Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp khẩn trương chuẩn bị phiếu xin ý kiến Thành viên Chính phủ và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ việc mua vắc-xin phòng COVID-19 của Công ty Pfizer, gửi xin ý kiến các Thành viên Chính phủ trong ngày 17-18/5/2021. Căn cứ Nghị quyết của Chính phủ, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến thẩm định chính thức bằng văn bản về phương án mua vắc-xin phòng COVID-19 do Bộ Y tế đề xuất, đồng thời dự thảo Quyết định phê duyệt phương án lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Tối 17-5, Bộ Y tế có Công văn số 4006/BYT-DP đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát các trường hợp nhập cảnh và các khu vực có nguy cơ mắc Covid-19. Công an tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát tất cả người đã nhập cảnh sau khi hết cách ly tập trung về lưu trú, làm việc trên địa bàn quản lý từ ngày 4-4-2021 đến 5-5-2021 theo phương châm "rà từng ngõ, gõ từng nhà".
UBND tỉnh, thành phố tiếp tục đánh giá những khu vực, địa điểm có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn như: Quán bar, karaoke, chợ đầu mối, bến xe, các cơ sở vui chơi giải trí tụ tập đông người; trên cơ sở đánh giá có biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả.
Cùng với đó, các địa phương thực hiện xét nghiệm phát hiện cả kháng nguyên và kháng thể SARS-CoV-2 đối với các trường hợp trên. Nếu phát hiện trường hợp có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính thì xử lý như ca bệnh theo quy định.
Các địa phương tổng hợp số lượng người theo từng đối tượng đã được rà soát và kết quả xét nghiệm, gửi về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) trước ngày 25-5-2021 để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
3. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết gần đây, có sự thay đổi trong chiến lược xét nghiệm. Đó là khuyến khích xét nghiệm tầm soát trên diện rộng. Trước đây, chúng ta chỉ sử dụng phương pháp duy nhất là rRT-PCR. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Y tế cấp phép thêm cho sinh phẩm kháng nguyên nhanh (test nhanh). Với phương pháp này, các đơn vị có thể tự sử dụng để xét nghiệm, sàng lọc Covid-19 cho lực lượng của mình. Điển hình là nhà máy, các cơ sở giải trí, dịch vụ, lưu trú. Đặc biệt, những người thuộc nhóm nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc nhiều người có thể mua bộ kit test nhanh và tự xét nghiệm.
III. Thông tin phòng chống dịch Covid-19 tại Hải Phòng:
- Tổng số ca mắc: 08 ca; số khỏi bệnh, xuất viện: 06 ca. BN3210 đang theo dõi tại BV Việt Tiệp cơ sở 2.
- Số ca nhiễm mới đến 6h ngày 18/5/2021: 1 ca (chưa có mã số QG)
- Thực hiện cách ly y tế:
+ Số đang cách ly tập trung: 550 người
+ Số đang cách ly tại khách sạn: 641 người
+ Số đang cách ly tại nhà: 4.096 người
* Các hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng:
1. UBND thành phố vừa ban hành Văn bản số 3107/UBND-VX ngày 15/5/2021 về việc tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, UBND các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý khẩn trương chỉ đạo các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp: thực hiện nghiêm ngặt 5K đối với cá nhân, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID, dừng hoạt động nếu không đảm bảo an toàn; không cho phép người không khai báo y tế đến làm việc…
UBND thành phố giao Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, UBND các quận, huyện tổng hợp danh sách cán bộ, nhân viên, người lao động theo phạm vi quản lý, gửi Sở LĐTB&XH tổng hợp. Sở LĐTB&XH lập mẫu biểu tổng hợp danh sách người lao động của các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp đảm bảo các tiêu chí phân loại nhân lực theo mức độ, có thể cho nghỉ hoặc thay thế… Kiểm tra việc chấp hành quy định phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Yêu cầu công nhân khu công nghiệp thực hiện khai báo y tế hàng ngày. Người đứng đầu khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về thực hiện phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các bất cập, lỗ hổng, vi phạm, nhất là về việc không đeo khẩu trang, tụ tập đông người, người làm việc không khai báo y tế.
2. Liên quan đến ca nhiễm COVID-19 được phát hiện đêm ngày 17/5/2021. N.T.T.N (SN 1979, trú tại số 9/10 Phan Chu Trinh, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng), là giáo viên trường THPT Ngô Quyền. Sáng 17/5/2021, do ho sốt nên chị N. đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng, đến 21h, kết quả xét nghiệm sàng lọc cho kết quả Dương tính với virus SAR-CoV-2. Sở Y tế đã thông tin về lịch trình di chuyển tiếp xúc của ca bệnh, để những người có mặt tại các địa điểm người bệnh có mặt, hoặc tiếp xúc gần, cần liên hệ ngay với Trạm y tế nơi lưu trú để khai báo y tế và được hướng dẫn xử lý phù hợp, kịp thời.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hải Phòng, các Quận huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành phun khử khuẩn, khoanh vùng, điều tra dịch tễ, tìm nguồn lây, truy vết được 31 người có tiếp xúc gần để thực hiện cách ly y tế, xét nghiệm. Các lực lượng chức năng đã tạm thời phong tỏa ngõ 10 Phan Chu Trinh, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng và 1 số địa điểm ca bệnh đến làm việc giao dịch.
3. Ngày 17/5, Sở Y tế đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ quan đơn vị rà soát, quản lý, chuẩn bị xét nghiệm cho các đối tượng: là công dân Hải Phòng đi từ Đà Nẵng về; công nhân, người lao động đến từ các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng (từ ngày 01/5/2021 đến nay)
Đến 17h00 ngày 17/5, các địa phương đã rà soát, quản lý được:
+ 229 công dân Hải Phòng đi từ Đà Nẵng về;
+ 472 công nhân, người lao động từ các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng đến Hải Phòng.
4. Các quận huyện, xã phường tiếp tục điều tra, cách ly y tế các trường hợp tiếp xúc với người bệnh (F1, F2), các ca bệnh nghi ngờ, người về từ vùng dịch, hoặc có đi qua địa điểm theo các Thông báo của Bộ Y tế, Sở Y tế.
5. Duy trì hoạt động phòng chống dịch tại các địa phương, tại các cơ quan đơn vị... hoạt động truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh, truyền thông tại cộng đồng về cài đặt Bluezone, Khai báo y tế bằng QR Code, sử dụng Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 qua covidmaps.haiphong.gov.vn ..../
Tổ thông tin báo cáo P/C COVID-19 Sở Y tế Hải Phòng (tổng hợp)