Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, đái tháo đường là một bệnh
rối loạn chuyển hóa mạn tính glucid, protid và lipid do nguyên nhân
thiếu insulin hoặc insulin kém chất lượng, nó được xếp vào nhóm bệnh nội
tiết chuyển hóa. Đơn giản hơn, chúng ta có thể hiểu là để cho cơ thể
hoạt động được, chúng ta cần chuyển hóa nguồn nguyên liệu chính là
glucose (hay còn gọi là đường máu) thành năng lượng. Quá trình này diễn
ra nhờ tác dụng của một nội tiết tố do tuyến tụy sản xuất ra, đó là
insulin. Trong bệnh đái tháo đường, cơ thể không sản xuất đủ insulin
và/hoặc insulin hoạt động kém, hậu quả là cơ thể bị "đói" dù đường máu
tăng rất cao và cũng chính đường máu cao là thủ phạm gây nhiều biến
chứng ở bệnh nhân đái tháo đường.
Hình ảnh giải phẫu tuyến tụy.
|
Chính vì vậy, câu trả lời chắc chắn là bệnh đái tháo đường không bị
lây vì đái tháo đường không phải bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên cần lưu ý
một số loại virut như virut sởi, quai bị... có thể gây tổn thương tụy và
làm giảm khả năng sản xuất insulin.
Cho đến nay chưa có phương pháp nào chữa được khỏi bệnh đái tháo
đường, trừ một số bệnh nhân có đái tháo đường thứ phát do những bệnh
khác thì sau khi chữa khỏi bệnh chính thì bệnh đái tháo đường cũng sẽ tự
ổn định. Cũng chưa có loại thuốc đông y nào được khẳng định là có thể
chữa khỏi bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên ngày càng có nhiều loại thuốc
và phương pháp điều trị tốt để bệnh nhân đái tháo đường có thể có cuộc
sống hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, để điều trị thành công bệnh đái
tháo đường, nghĩa là giữ được đường máu ở mức ổn định thì bệnh nhân đái
tháo đường hãy thực hiện tốt các biện pháp đơn giản sau đây để có được
sức khỏe tốt:
1. Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý: ăn ít mỡ, đặc biệt là các loại
mỡ no (có nhiều trong thịt), ăn nhiều chất xơ và ăn vừa phải chất carbon
hydrate. Ngoài ra cũng không nên ăn mặn.
2. Duy trì chế độ tập thể dục thể thao đều đặn: phải tập ít nhất 30-45 phút mỗi ngày và ít nhất 3 ngày mỗi tuần.
3. Kiểm tra đường máu thường xuyên, duy trì đường máu trong giới hạn được khuyến cáo.
4. Kiểm tra huyết áp và mỡ máu định kỳ, nếu có huyết áp tăng hoặc có rối loạn mỡ máu thì phải điều trị.
5. Nếu bạn có uống bia rượu thì hãy lựa chọn loại rượu bia thích hợp và chỉ uống vừa phải.
6. Không hút thuốc lá, nếu đang hút thì phải bỏ ngay.
7. Kiểm tra bàn chân mỗi ngày, nếu thấy bất cứ dấu hiệu gì bất thường phải báo ngay cho bác sĩ.
8. Đi khám mắt định kỳ.
9. Đi khám bệnh thường xuyên.
10. Luôn có thái độ tích cực, lạc quan với cuộc sống, với căn bệnh của mình.
Dự án phòng chống bệnh đái tháo đường quốc gia - Bệnh viện Nội tiết Trung ương